Các bức thư của Stalin Chia rẽ Tito – Stalin

Bức thư đầu tiên

Vào ngày 27 tháng 3, Stalin gửi bức thư đầu tiên cho Tito và Kardelj, đánh dấu cuộc xung đột trở thành mang tính ý thức hệ.[49] Trong thư, Stalin tố cáo Tito và Kardelj, cũng như Djilas, Svetozar Vukmanović, Boris Kidrič, và Aleksandar Rankovi là những người theo chủ nghĩa Marx đáng ngờ, và chịu trách nhiệm cho bầu không khí chống Liên Xô ở Nam Tư. Stalin cũng chỉ trích các chính sách an ninh, kinh tế của Nam Tư cũng như bổ nhiệm chính trị. Đặc biệt, ông phẫn nộ với ý kiến cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô chưa triệt để và Nam Tư có tính cách mạng hơn Liên Xô. Mục đích bức thư là để thúc giục những người Cộng sản trung thành loại bỏ những người theo chủ nghĩa Marx đáng ngờ.[50] Liên Xô duy trì liên lạc với Žujović và cựu bộ trưởng công nghiệp Andrija Hebrang và vào đầu năm 1948, chỉ thị Žujović cách chức Tito. Họ hy vọng sẽ giữ vị trí tổng thư ký Đảng Cộng sản Nam Tư cho Žujović và để Hebrang đảm nhiệm vị trí thủ tướng.[51]

Tito đã triệu tập ủy ban trung ương vào ngày 12 tháng 4 để viết một bức thư đáp lại Stalin. Tito bác bỏ những tuyên bố của Stalin và cho rằng đó là vu khống và thông tin sai lệch. Ông cũng nhấn mạnh những thành tựu của Nam Tư về độc lập và bình đẳng quốc gia. Žujović là người duy nhất phản đối Tito tại cuộc họp. Ông ủng hộ việc biến Nam Tư trở thành một phần của Liên Xô, và ông đặt câu hỏi về vị trí tương lai của đất nước trong quan hệ quốc tế nếu liên minh Xô viết không được duy trì.[52] Tito kêu gọi hành động chống lại Žujović và Hebrang, tố cáo Hebrang là nguyên nhân chính khiến Liên Xô không tin tưởng. Để làm mất uy tín của Hebrang, Tito bịa đặt cáo buộc rằng Hebrang đã trở thành gián điệp của Ustaše trong thời gian bị giam cầm vào năm 1942 và sau đó đã bị Liên Xô tống tiền. Cả Žujović và Hebrang đều bị bắt trong vòng một tuần.[53]

Bức thư thứ hai

Vào ngày 4 tháng 5, Stalin gửi bức thư thứ hai cho Nam Tư phủ nhận việc giới lãnh đạo Liên Xô bị thông tin sai về tình hình ở Nam Tư và tuyên bố rằng sự khác biệt là vấn đề nguyên tắc. Ông cũng phủ nhận sự liên quan của Hebrang nhưng xác nhận rằng Žujović thực sự có dính líu. Stalin đặt câu hỏi về quy mô thành tựu của Nam Tư, cho rằng rằng sự thành công của bất kỳ đảng cộng sản nào đều phụ thuộc vào sự trợ giúp của Hồng quân - ngụ ý rằng quân đội Liên Xô là yếu tố cần thiết để Nam Tư giữ được quyền lực. Cuối cùng, ông đề nghị đưa vấn đề ra trước Cục thông tin của Quốc tế.[54] Trong thư phản hồi, Tito và Kardelj từ chối sự phân xử của Cục thông tin của Quốc tế, và cáo buộc Stalin vận động hành lang các đảng cộng sản khác về phe mình.[55]

Bức thư thứ ba và Nghị quyết của Cục thông tin của Quốc tế

Vào ngày 19 tháng 5, phái đoàn Nam Tư nhận được lời mời tham dự một cuộc họp của Cục thông tin của Quốc tế để thảo luận về tình hình Đảng Cộng sản Nam Tư. Tuy nhiên, Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Nam Tư đã từ chối lời mời. Sau đó, Stalin đã gửi bức thư thứ ba cho Tito và Hebrang, nói rằng việc Đảng Cộng sản Nam Tư không cử phái đoàn đến Cục thông tin của Quốc tế đồng nghĩa với việc ngầm thừa nhận tội lỗi. Vào ngày 19 tháng 6, Đảng Cộng sản Nam Tư nhận được lời mời chính thức tham dự cuộc họp Cục thông tin của Quốc tế ở Bucharest trong hai ngày. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư đã thông báo với Cục thông tin của Quốc tế rằng họ sẽ không cử bất kỳ đại biểu nào.[56]

Cục thông tin của Quốc tế đã đưa ra Nghị quyết về Đảng Cộng sản Nam Tư vào ngày 28 tháng Sáu chỉ trích Nam Tư về chủ nghĩa chống Xô viết và những sai sót về ý thức hệ, thiếu dân chủ trong đảng và bảo thủ không chấp nhận chỉ trích.[57] Hơn nữa, Cục thông tin của Quốc tế cáo buộc Đảng Cộng sản Nam Tư chống lại các đảng phái khác, tách khỏi mặt trận xã hội chủ nghĩa thống nhất, phản bội sự đoàn kết quốc tế của nhân dân lao động và có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Cuối cùng, Đảng Cộng sản Nam Tư đã bị khai trừ khỏi Cục thông tin của Quốc tế. Nghị quyết cũng hi vọng những thành viên trung thành của Đảng Cộng sản Nam Tư sẽ lật đổ Tito và quyền lãnh đạo của ông. Stalin mong muốn Đảng Cộng sản Nam Tư sẽ lùi bước và khôi phục lại quan hệ với Liên Xô.[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chia rẽ Tito – Stalin https://books.google.com/books?id=kVXuDwAAQBAJ https://books.google.com/books?id=_C1zDwAAQBAJ https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=uva.x001436... https://books.google.com/books?id=p84vDgAAQBAJ https://books.google.com/books?id=wy3TBAAAQBAJ https://books.google.com/books?id=DpcBX2eH0LYC https://books.google.com/books?id=gXvoBAAAQBAJ https://books.google.com/books?id=FTw3lEqi2-oC https://books.google.com/books?id=4PTzicJt3MwC https://books.google.com/books?id=rLLfDwAAQBAJ